Posted by: phanxine | May 12, 2008

Nói về điện ảnh Iran

Bài này trên blog của anh Chuyên. Đem về đây cho vui nhà vui cửa

 

LÝ GIẢI SỰ THẦN KỲ ĐIỆN ẢNH IRAN

Đầu thập niên 80 nổi lên một sự thần kỳ điện ảnh mang tên IRAN. Liên tiếp những bộ phim Iran đoạt những giải thưởng uy tín nhất ở những liên hoan phim lớn nhát như Cannes, Oscar… Nhiều đạo diễn IRAN được nhắc đến như những bậc thầy. Tớ cũng đã được xem một vài bộ phim nổi danh của một vài đạo diễn bậc thầy như thế: Hương vị anh đào, những đứa trẻ của thiên đường, bảng đen, quả táo, thiên đường điện ảnh… Đó là những bộ phim tuyệt đẹp, giản dị đến kinh ngạc và rất rẻ tiền. Chả thế mà các bậc lão thành của điện ảnh Việt Nam thi nhau lớn tiếng kêu gọi điện ảnh Việt Nam hãy học tập điện ảnh IRAN, vì đây là tấm gương cho sự sáng tạo trong điều kiện rẻ tiền và một lý do khá giống với Việt Nam, đó là sự kiểm duyệt ngặt nghèo.

Tớ cũng nghĩ mãi mà không ra. Có phải Việt Nam không có tài năng điện ảnh? Hay phẩm chất điện ảnh của người Việt Nam thua kém người IRAN mà rặn mãi không có nổi một tài năng khả dỹ được công nhận của điện ảnh thế giới? Rõ ràng là điều kiện giống nhau, rẻ tiền và kiểm duyệt ngặt nghèo. Có người còn nói so với điện ảnh IRAN thì kiểm duyệt ở Việt Nam còn là thiên đường của sự tự do. Đố tìm thấy một cảnh hở hang thậm chí chỉ 40% ở trong phim IRAN. Trong khi ở Việt Nam thì các đạo diễn khá thoải mái phô lên mà ảnh những cảnh 70, 80 thậm chí 100%. Tớ cứ nửa tin nửa ngờ. Không lẽ người IRAN lại tài đến thế.

Cách đây 2 hôm, tớ được nói chuyện với một nhà làm phim tài liệu nước ngoài rất nổi tiếng. Ông đã từng làm phim tài liệu ở IRAN. Qua câu chuyện của ông, tớ đã tìm ra nguyên nhân của điều thần kỳ IRAN. Tớ đảm bảo những điều tớ ghi dưới đây hoàn toàn là sự thật, do người đạo diễn nói ra.

Khi tớ và ông ấy đang nói chuyện về sự tích cực của những người làm phim với dự án của mình, ông cho tớ xem một số poster của những phim ông đã làm và của những phim ông chưa làm.

– Chưa làm phim mà ông đã làm poster sao? Tớ hỏi
– Đó là việc phải làm. Phải quảng bá cho bộ phim từ khi nó chưa làm. Chủ động tích cực một cách mạnh mẽ là đặc tính của nghệ sỹ. Đạo diễn trả lời.

Đó là với phim tài liệu chứ không nói phim truyện nhé. Sau đó ông nói về dự án giảng dạy về điện ảnh ông đang làm ở Việt Nam với một đối tác là một hãng phim nhà nước có tên tuổi. Ông phàn nàn về cách làm việc của đối tác này.

– Chúng tôi được đón chào, được tặng hoa, được quan tâm chăm sóc chu đáo nhưng công việc chính thì không làm. Luôn luôn chậm chễ. Đạo diễn nói.
– Ông thông cảm. Vì hệ thống ở Việt Nam người ta không được quyền quyết định. Hơi khác là họ phải hỏi cấp trên, rồi cấp trên lại hỏi cấp trên nữa, cấp trên nữa lại hỏi cấp trên nữa…
– Đúng là như thế. Toi cảm thấy trong công việc họ rất THỤ ĐỘNG. Đó là cách làm việc thụ động.

Tớ thì quá hiểu cái cung cách này. Tớ nằm trong chăn mà. Tớ hiểu ông ấy đang khổ sở thế nào khi phải làm quen với cung cách làm việc kiểu bao cấp ở Việt Nam. Thực sự ở Việt Nam, phần lớn những hoạt động làm phim vẫn còn nằm trong bao cấp. Bao cấp bao nhiêu năm đã biến nghệ sỹ thành những kẻ yếu hèn, thụ động và makeno.

– Có những yêu cầu của tôi không bao giờ được trả lời, không bao giờ được giải thích là tại sao lại không trả lời… Đạo diễn phàn nàn.
– Vâng, có thể họ đã hỏi cấp trên, cấp trên lại hỏi cấp trên nữa… và có một cấp trên nào đó quên, và sẽ là sự im lặng mà không có lời giải thích.

Điều đó cũng tồn tại trong khâu kiểm duyệt. Có những bộ phim không được phát hành mà không có lời giải thích vì sao… Một bộ phim có vấn đề gì đó cần bàn cãi là người ta phải hỏi cấp trên. Một cấp trên nào đó bận chưa cho ý kiến. Mà nhiều khi ý kiến của các cấp trên không thống nhất, rất mang tính cá nhân, vì thế khả năng phim bị cắt xén, bị không cho chiếu là rất cao, nhất là những phim ” có vấn đề”

– Năm ngoái tôi có giới thiệu một bộ phim tài liệu của tôi ở Việt Nam. Phim đã được cho chép chiếu ở Hà Nội. Nhưng vào đến TP HCM, phim lại không được phép chiếu. Không ai giải thích cho tôi biết vì sao? Đạo diễn nói tiếp, vẫn rất vui vẻ.

Lần này thì tớ đành im lặng.

– Tôi thấy đó là điều hoàn toàn khác ở IRAN. Tôi đã từng làm phim ở đó. – Ông đạo diễn tiếp tục – Anh có tin không? Ở IRAN, tôi có thể xem những bộ phim ở ngoài rạp trong khi tác giả thì đang đi tù vì chính bộ phim đó?

Tớ không tin vào tai mình. Ông có thể nhận ra sự ngạc nhiên trong mắt tớ.

– Ban đầu tôi cũng ngạc nhiên như anh. Tôi biết IRAN là một nước có chế độ kiểm duyệt khá khắt khe. Nhưng ở IRAN, Bộ Văn hóa đôi khi vẫn cho phép chiếu những bộ phim mà tác giả bộ phim đó bị bộ Tư pháp bỏ tù. – Ông đạo diễn cười hóm hỉnh- Mà Bộ Văn Hóa thì không mạnh bằng bộ Tư Pháp. Nhưng quan trọng là bộ phim vẫn được chiếu. Và người dân vẫn được xem những bộ phim đó thoải mái.

Tớ đã ngộ ra vài điều ở đất nước IRAN và nền điện ảnh IRAN kỳ lạ này.

– Những người trí thức ở IRAN gọi nhà tù là trường học. – Nhà đạo diễn nói tiếp – Hầu hết những trí thức lớn tại IRAN đã từng đi tù. Vì thế họ mới gọi nhà tù là trường học. Nhưng tài năng của họ vẫn được trân trọng. Văn hóa vẫn được công nhận. Và đó là lý do những trí thức nghệ sỹ IRAN vẫn có động lực lớn lao để sáng tạo. Nhiều bộ phim IRAN bị cấm chiếu trong nước vẫn được tham dự những liên hoan phim quốc tế. Và thực tế là những phim này đã đạt được rất nhiều giải thưởng…

Tớ đã lý giải được sự thần kỳ điện ảnh của IRAN. Cho dù ở đó cũng có sự thiếu thốn tiền bạc và sự kiểm duyệt khắt khe nhưng ở đó không có những sự im lặng đáng sợ từ trên xuống dưới biến những nghệ sỹ trở thành những kẻ hèn hạ, thụ động và Makeno. Đó là sự khác biệt cơ bản

————————————————————————————-

Khi xem phim hoạt hình Persepolis hồi năm ngoái, tui thấy xã hội Iran và xã hội mình có nhiều điểm tương đồng. Những điểm tương đồng này, thật đáng buồn, là những mặt trái, mặt tối của xã hội. Đó là hệ thống kiểm duyệt, hệ thống bóp nghẹt sự sống, quyền tự do yêu nước, quyền được phát biểu chủ kiến, chính kiến. Nó giống cả chuyện một thời người ta phải lén lút hạnh phúc, lén lút vui chơi. Chúng ta thường cười và tội nghiệp cho sự hà khắc mà đạo Hồi và chính uyền Iran áp đặt lên người dân, nhất là người phụ nữ, nhưng nếu chúng ta nhìn lại chín xã hội mình, chúng ta cũng không hơn gì họ. Đọc bài viết trên, xem ra Iran ít ra cũng hơn chúng ta.

Tui thì chẳng có ủng hộ nền điện ảnh Việt Nam theo chân nền điện ảnh Iran, vì tui thấy hình như phim của họ làm ra cũng chẳng có cho người dân họ xem. Thế nhưng, tui thấy là dù thế nào đi nữa, phim của họ cũng là tiếng nói bức xúc trăn trở của người làm phim với xã hội mà họ đang sống. Chúng ta chẳng có những bộ phim ấy, bởi những nhà làm phim làm phim bằng tiền Nhà Nước thì chẳng dám nói gì lệch đường lối, phải nhắm mắt làm ngơ, phải cúi đầu im lặng.

Và vì thế, phim nếu không giải trí vui vẻ thì cũng chỉ là một phim tuyên truyền mà người dân chả ai còn tin và chia sẻ. Chẳng ai muốn xem một phim mà họ biết người làm phim cũng chẳng tin vào điều họ muốn nói


Leave a comment

Categories